CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Những đứa con của nửa đêm


Phan_18

“Thanh tra Sahib, ông còn chờ gì nữa?”

“Suỵt, Begum, đây là điệp vụ của cảnh sát; xin bà lui vào trong nhà. Chúng tôi sẽ tóm hắn khi hắn trở ra; bà cứ nhớ lời tôi. Bắt sống,” Vakeel nói với vẻ thỏa mãn, “như một con chuột sập bẫy.”

“Nhưng hắn là ai?”

“Ai biết được,” Vakeel nhún vai. “Một gã badmaash là cái chắc. Thời nay quân bất lương nhan nhản khắp nơi.”

... Và rồi sự im lặng của màn đêm bị xé toạc bởi một tiếng thét duy nhất, tắc nghẹn; ai đó lảo đảo dựa vào mặt trong cánh cửa của tháp đồng hồ; nó bị giật tung ra; một tiếng đổ sầm; và thứ gì đó chảy thành vệt trên nền nhựa đường đen. Thanh tra Vakeel chồm lên và ra tay, lia khẩu súng trường lên, bắn từ ngang hông hệt như John Wayne; đám phu quét dọn móc vũ khí của xạ thủ trong chổi ra và khai hỏa... tiếng rú phấn khích của phụ nữ, tiếng hét cùa người hầu... im lặng.

Thứ gì nằm đó, nửa nâu nửa đen, vằn vện và xoắn xuýt trên nền nhựa đường đen? Thứ gì, rỉ máu đen, kích động Bác sĩ Schaapsteker rít lên từ vọng lâu trên gác thượng: “Đồ đần độn! Anh em với gián! Con của lũ lại cái!”... thứ gì, lưỡi thò thụt, đã chết khi Vakeel lao lên mái nhà phủ nhựa đường?

Và trong cánh cửa tháp đồng hồ? Sức nặng nào, khi sụp xuống, đã gây ra tiếng đổ sầm vang dội nhường ấy? Tay ai đã giật tung cửa; gót chân ai hiện rõ hai lỗ đỏ, chảy máu, đầy ứ thứ nọc độc không có thuốc giải, thứ nọc đã giết chết từng tàu đầy lũ ngựa già nua? Thi thể ai được khiêng ra khỏi tháp bởi những người đàn ông mặc thường phục, không quan tài, với những phu quét dọn giả trang trong vai người hộ quan? Tại sao, khi ánh trăng rọi vào khuôn mặt xác chết, Mary Pereira lại ngã phịch như một tải khoai tây xuống sàn, mắt trợn trừng, trong một cơn ngất xỉu bất ngờ và đầy kịch tích?

Và xếp sát tường ở bên trong ngọn tháp đồng hồ: những máy móc kỳ lạ có gắn đồng hồ rẻ tiền này là gì - tại sao có nhiều chai lọ miệng nút đầy giẻ như thế?

“May mà bà gọi quân của tôi tới, Begum Sahiba,” Thanh tra Vakeel bảo. “Đó là Joseph D’Costa - trong danh sách Truy nã Đặc biệt của tụi tôi. Săn hắn đâu cả năm nay rồi. Một gã badmaash cực kỳ tàn độc. Bà phải nhìn mấy bức tường trong tháp! Từng giá, chất đầy tận nóc toàn bom tự chế. Sức công phá đủ để thổi bay cả quả đồi này xuống biển!”

Mê lô chồng chất mê lô; cuộc đời bỗng có màu sắc của một phim chớp bóng Bombay; rắn tiếp bước thang, thang theo gót rắn; trong hoàn cảnh của quá nhiều tai biến như vậy, Bé Saleem ngã bệnh. Như thể không đủ sức tiêu hóa nhiều biến động đến thế, cậu nhắm mắt lại, đỏ và nóng rực lên. Trong khi Amina ngóng đợi kết quả vụ Ismail kiện Chính quyền Bang; trong khi con Khỉ Đồng lớn dần trong bụng bà; trong khi Mary lâm vào một trạng thái sốc mà cô sẽ chỉ hoàn toàn hồi phục khi hồn ma của Joseph tìm về ám cô; trong khi sợi dây rốn lơ lửng trong lọ ngâm và những món chutney của Mary làm giấc mơ của chúng tôi tràn ngập những ngón tay đang chỉ; trong khi Mẹ Bề trên điều hành gian bếp, ông ngoại khám bệnh cho tôi và nói, “Ta sợ rằng không có gì nghi ngờ nữa; thằng bé tội nghiệp bị thương hàn.”

“Lạy Chúa trên trời,” Mẹ Bề trên nấc lên, “Ma quỷ nào đã đến, cáigìkhôngbiết, gieo tai ương xuống cái nhà này?”

Đây là những gì tôi được nghe về trận ốm suýt nữa đã chặn tôi lại trước khi tôi kịp bắt đầu: cả ngày lẫn đêm, vào cuối tháng Tám năm 1948, mẹ và ông ngoại trông nom tôi; Mary lê mình ra khỏi nỗi dằn vặt và đắp khăn lạnh lên trán tôi; Mẹ Bề trên hát ru và bón thức ăn cho tôi; ngay cả cha tôi, tạm thời quên mất tình trạng rối loạn của mình, cũng đứng cuống quýt bất lực trên ngưỡng cửa. Nhưng khi đêm xuống, Bác sĩ Aziz, kiệt quệ như một con ngựa già, nói, “Ta đã làm hết khả năng rồi. Nó sẽ chết trước khi trời sáng.” Và trong bối cảnh đám đàn bà khóc lóc và cơn đau đẻ vừa phát của mẹ tôi do bị kích thích trước sự đau khổ và cảnh bứt tóc của Mary Pereira, có tiếng gõ cửa; người hầu báo tên Bác sĩ Schaapsteker; người đưa cho ông tôi một cái chai nhỏ và nói, “Tôi không giấu giếm gì cả: thứ này hoặc chữa hoặc chết. Đúng hai giọt; rồi chờ xem.”

Ông tôi, ngồi ôm đầu giữa đống kiến thức y khoa đổ nát của mình, hỏi, “Cái gì đây?” Và Bác sĩ Schaapsteker, gần tám mươi hai tuổi, lưỡi thò thụt nơi khóe miệng: “Nọc độc hổ mang chúa pha loãng. Nó đã từng hiệu nghiệm.”

Rắn có thể dẫn đến vinh quang, cũng như thang có thể xuống dốc: ông tôi, biết đằng nào tôi cũng chết, cho tôi uống nọc rắn hổ. Cả gia đình đứng nhìn nọc độc lan khắp người đứa bé... và sáu tiếng sau, thân nhiệt của tôi trở lại bình thường. Từ đó, tốc độ lớn của tôi mất đi những đặc tính phi thường; nhưng cái mất đi được bù đắp bằng thứ khác: sinh mệnh, và một ý thức sớm về sự mơ hồ của loài rắn.

Trong khi thân nhiệt tôi hạ xuống, em gái tôi ra đời tại Nhà Hộ sinh của Bác sĩ Narlikar. Hôm đó là mồng 1 tháng Chín; và ca sinh nở bình yên, trôi chảy đến mức nó đi qua hầu như không ai chú ý tại Điền trang Methwold; bởi vì đúng ngày hôm đó Ismail Ibrahim tới thăm cha mẹ tôi ở bệnh viện và thông báo họ đã thắng kiện... Trong khi Ismail ăn mừng, tôi bíu tay vào song cũi; trong khi ông ta kêu lên, “Đóng băng thế đủ rồi! Tài sản của anh lại là của anh! Theo lệnh của Tòa án Tối cao!”, tôi đỏ mặt tía tai rướn lên khỏi trọng lực; và trong khi Ismail thông báo, vẻ thản nhiên, “Sinai bhai, nền pháp trị đã giành một chiến thắng vang dội,” và né tránh ánh mắt hân hoan đắc thắng của mẹ tôi, tôi, Bé Saleem, vừa tròn một tuổi, hai tuần và một ngày, nâng mình đứng thẳng trong cũi.

Những sự kiện của ngày hôm ấy có tác động kép: tôi lớn lên với đôi chân vòng kiềng không chữa được, bởi vì tôi đứng dậy quá sớm; còn con Khỉ Đồng (gọi vậy vì vạt tóc dày màu vàng đỏ của con bé, sẽ không sẫm lại tới khi nó lên chín) thì hiểu rằng, nếu muốn nhận được sự chú ý trong đời, nó sẽ phải gây rất nhiều náo động.

Chương 11: Tai nạn trong tủ giặt

Đã tròn hai ngày từ khi Padma sầm sập ra khỏi đời tôi. Trong hai ngày, vị trí của cô bên vại kasaundy xoài được một phụ nữ khác đảm nhận – eo cũng dày, lông tay cũng rậm; nhưng trong mắt tôi, chẳng thay thế được gì cả! – trong khi bông sen-phân của tôi đã biến mất đi đâu không rõ. Một sự cân bằng bị phá vỡ; tôi cảm thấy những vết nứt toác ra theo chiều dài cơ thể mình; vì đột nhiên tôi còn lại một mình, thiếu sự lắng nghe cần thiết, và thế là không đủ. Tôi bị bóp nghẹt trong nắm tay bất ngờ của một cơn phẫn nộ: tại sao tôi lại bị tông đồ độc nhất của mình đối xử phi lý đến thế? Bao người khác đã kể chuyện trước tôi; bao người khác đâu có bị bỏ rơi vội vàng như thế. Khi Valmiki, tác giả Ramayana, đọc kiệt tác của mình cho Ganesh đầu voi chép, vị thần ấy có bỏ rơi ông nửa chừng không? Tất nhiên là không. (Lưu ý rằng, mặc dù xuất thân đạo Hồi, tôi cũng là dân Bombay đủ để thông thạo những truyền thuyết Hindu, và thật tình tôi rất khoái cái hình ảnh thần Ganesh vòi voi, tai ve vẩy, cặm cụi ngồi chép chính tả!)

Làm sao để tiếp tục mà vắng Padma? Làm sao để từ bỏ sự vô ri và mê tín của cô, đối trọng cần thiết cho sự toàn tri chất chưa kỳ tích của tôi? Làm sao để làm việc mà thiếu vắng sự trần tục đầy mâu thuẫn của tâm hồn cô, điều giữ – đã giữ? – đôi chân tôi trên mặt đất? Tôi đã trở thành, qua cảm nhận của tôi, đỉnh của một tam giác cân, được nâng đỡ cân bằng bởi hai vị thần song sinh, nam thần cuồng dại của ký ức và nữ thần hoa sen của hiện tại… nhưng giờ liệu tôi có nên chấp nhận tính đơn chiều hạn hẹp của một đường thẳng?

Tôi đang, có lẽ, trốn sau tất cả những câu hỏi này. Phải, có lẽ đúng thế. Tôi nên nói một cách giản đơn, không có tấm áo choàng là dấu chấm hỏi: Padma của chúng ta đã bỏ đi, và tôi nhớ nàng. Phải, chính thế.

Nhưng vẫn còn việc cần phải làm: ví dụ:

Mùa hè năm 1956, khi hầu hết mọi thứ trên đời còn lớn hơn tôi, con Khỉ Đồng em tôi phát sinh một quái tật là châm lửa đốt giày. Trong khi Nasser đánh chìm tàu ở kênh đào Suez, bởi vậy làm giảm tốc độ di chuyển của thế giới bằng cách buộc tất cả phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, em tôi cũng nỗ lực ngăn cản bước tiến của chúng tôi. Buộc phải tranh đấu để được chú ý, bị ám ảnh bởi nhu cầu đặt mình ở trung tâm mọi sự kiện, kể cả những sự kiện chẳng dễ chịu gì (nó dù gì cũng là em tôi; nhưng chẳng Thủ tướng nào viết thư cho nó, chẳng ẩn giả nào dõi theo nó từ dưới vòi nước ngoài vườn; không được tiên đoán, không được chụp hình, đời nó là một sự đấu tranh từ phút đầu tiên), nó mang cuộc chiến của mình vào thế giới của giày dép, hy vọng rằng, chắc vậy, bằng cách đốt giày chúng tôi, nó sẽ làm chúng tôi đứng yên đủ lâu để nhận thấy nó ở đó… nó không hề cố gắng giấu giếm tội lỗi của mình. Khi bố tôi vào phòng và thấy một đôi Oxford đen đang cháy, con Khỉ Đồng đứng ngay cạnh đó, diêm trong tay. Lỗ mũi ông bị tấn công bởi thứ mùi chưa từng có của giày da bắt lửa, trộn lẫn với xi đánh giày Hoa Anh Đào và một chút dầu Ba-Trong-Một… “Nhìn kìa, Abba!” con Khỉ Đồng duyên dáng nói, “Đẹp chưa kìa – hệt như màu tóc con!”

Bất chấp mọi cảnh cáo, những bông hoa đỏ tươi tắn của nỗi ám ảnh của em gái tôi nở rộ khắp Điền trang mùa hè năm ấy, mãn khai trên những đôi xăng đan của Nussie-vịt-bầu và giày dép đại gia của Homi Catrack; những lưỡi lửa màu tóc liếm lên đôi giày da lộn mòn vẹt đế của Ngài Dubash và đôi guốc gót nhọn của Lila Sabarmati. Bất chấp việc diêm bị giấu kỹ còn người hầu luôn cảnh giác, con Khỉ Đồng vẫn tìm ra cách, không sờn lòng trước mọi trừng phạt và đe nẹt. Trong một năm liền, thỉnh thoảng, Điền trang Methwold lại bị khói của những đôi giày bị hỏa thiêu tấn công; cho tới khi tóc con bé sẫm lại thành màu nâu vô danh, và nó dường như mất hứng thú với những que diêm.

Amina Sinai, căm ghét ý tưởng đánh đập con cái, bản tính không có khả năng cao giọng, lâm vào cảnh gần như hết cách; và con Khỉ Đồng bị phạt, ngày này qua ngày khác, bằng sự im lặng. Đây là hình thức kỷ luật được mẹ tôi lựa chọn: không thể đánh con, bà ra lệnh cho chúng tôi khóa miệng lại. Một vài âm hưởng, không nghi ngờ gì nữa, của sự im lặng ghê gớm mà bằng nó chính mẹ đã hành hạ Aadam Aziz vẫn quanh quẩn bên tai bà – vì rằng, cả im lặng cũng có tiếng vang, rỗng hơn và kéo dài hơn tiếng vọng của bất cứ âm thanh nào – và với một tiếng “Suỵt!” dứt khoát, bà sẽ đặt ngón tay lên môi và lệnh cho lưỡi chúng tôi bất động. Đó là một hình phạt chưa bao giờ thất bại trong việc dọa tôi phải phục tùng; con Khỉ Đồng, tuy vậy, được làm bằng chất liệu khó uốn nắn hơn. Trong câm lặng, sau đôi môi mím chặt như của bà ngoại, nó âm mưu hỏa thiêu đồ da – như đã có lần, đã lâu rồi, một con khỉ khác, ở một thành phố khác, đã thực hiện một hành vi khiến việc căn godown chứa vải giả da bị đốt trụi trở thành không tránh khỏi…

Tôi xấu bao nhiêu thì con bé xinh đẹp (dù có thể hơi gầy gò) bây nhiêu; nhưng nó, ngay từ đầu, đã tàn phá như một cơn lốc và ầm ĩ ngang một đám đông. Hãy đếm số cửa sổ và bình hoa bị vỡ một cách vô-tình-có-chủ-ý; hãy liệt kê, nếu quý vị có thể, số thức ăn không hiểu vì sao đã bay khỏi những cái đĩa ăn tối phản chủ của con bé, làm ố bẩn những tấm thảm Ba Tư quý giá! Im lặng, quả thật, là hình phát khắc nghiệt nhất nó có thể phải nhận; nhưng nó gánh chịu một cách tươi tỉnh, ngây thơ vô tội đứng giữa đống đổ nát của những ghế gãy và đồ trang trí vỡ vụn.

Mary Pereira nói, “Con bé ấy, Con Khỉ ấy! Đáng lẽ phải sinh ra với bốn chân!” Nhưng Amina, mà ký ức về lần sinh hụt trong gang tấc một thằng bé hai đầu vẫn ngoan cố chưa chịu phai mờ, trong tâm trí hét lên, “Mary! Cô nói cái gì thế hả? Đến nghĩ như vậy cũng không được!”… Bất chấp sự phản đối của mẹ tôi, một thực tế là phần động vật ở con Khỉ Đồng cũng ngang với phần con người; và, như tất cả người hầu và trẻ con ở Điền trang Methwold đều biết, nó có khả năng nói chuyện với chim, và với mèo. Cả chó nữa: nhưng sau lần nó bị cắn, năm lên sáu, bởi một con chó hoang bị nghi mắc bệnh dại, và bị lôi đi, vừa khóc lóc vừa quẫy đạp, tới bệnh viện Breach Candy, mỗi buổi chiều trong ba tuần, để nhận một mũi tiêm vào bụng, có vẻ như con bé hoặc đã quên mất ngôn ngữ của chúng hoặc đã từ chối không dính dáng gì đến chúng nữa. Từ chim nó học hát; từ mèo nó học được một hình thái độc lập nguy hiểm. Con Khỉ Đồng giận dữ nhất khi nghe ai đó nói với nó những lời yêu thương; khao khát được thương yêu, bị tước đoạt điều đó bởi cái bóng áp đảo của tôi, nó có xu hướng tấn công bất cứ ai dành cho nó điều nó muốn, như thể để bảo vệ mình trước khả năng bị đánh lừa.

… Chính vào thời điểm như thế Sonny Ibrahim thu hết can đảm bảo nó: “Này, nghe đây, em gái của Saleem – đằng ấy hơi bị được đấy. Tớ, ừm, đằng ấy biết đấy, rất khoái đằng ấy…” Và lập tức con bé thẳng tiến đến chỗ bố mẹ thằng nhóc đang uống lassi trong khuôn viên biệt thự Sans Souci và bảo, “Dì Nussie, cháu chẳng biết anh Sonny nhà dì đang chơi trò gì. Mới vừa nãy cháu thấy anh ấy và Cyrus sau bụi cây, đang chà xát cái soo-soo buồn cười lắm ấy!”…

Con Khỉ Đồng rất xấu nết tại bàn ăn; nó giẫm nát các luống hoa; nó nhận biệt hiệu đứa trẻ rắc rối; nhưng nó với tôi vẫn cực kỳ thân thiết, bất chấp những bức thư đóng khung gửi đến từ Delhi và sadhu-dưới-vòi-nước. Từ đầu, tôi đã quyết định coi nó là đồng minh, chứ không phải là đối thủ; và, bởi thế cho nên, nó chưa từng oán trách tôi vì sự nổi bật của tôi trong nhà, nó bảo, “Có gì mà oán trách? Chẳng lẽ đấy là lỗi của anh nếu cả nhà đều thấy anh rất oách?” (Nhưng khi, nhiều năm sau, tôi phải phải đúng sai lầm của Sonny, nó cũng đối xử với tôi y hệt.)

Và chính con Khỉ Đồng là người, bằng việc trả lời một cú điện thoại gọi nhầm nào đó, đã khởi đầu chuỗi sự kiện dẫn đến tại nạn của tôi trong một cái tủ giặt màu trắng bằng gỗ thanh ken sát.

Chưa gì, ở cả tuổi gần lên chín, tôi đã biết ngần này: ai nấy đều chờ đợi ở tôi. Nửa đêm và ảnh-em-bé, các nhà tiên tri và thủ tướng đã tạo nên quanh tôi một màn sương lung linh và không thể tránh né của sự kỳ vọng… trong đó bố tôi kéo tôi vào cái bụng nhão xệ của ông trong cái mát mẻ của giờ cocktail và bảo: “Toàn thứ oách! Con trai: có gì không nằm trên giá chờ con? Thành tích oách, cuộc đời oách!” Trong khi tôi, hết ngọ nguậy cái môi trề lại đến ngón chân cái, làm ướt áo ông với dòng nước mũi muôn đời vẫn chảy của tôi, mặt đỏ rực và ré lên, “Thả con ra, Abba! Mọi người thấy kìa!” Và ông, làm tôi ngượng đến mức khó tin, ồm ồm, “Kệ cho họ thấy! Cho cả thế giới thấy ta yêu con trai ta thế nào!”… còn bà tôi, đến chơi với chúng tôi mùa đông nọ, cũng khuyên tôi: “Chỉ cần xắn tay nỗ lực, cáigìkhôngbiết, cháu bà sẽ ăn đứt bất cứ ai trên đời này!”… Trôi dạt giữa đám mây mù của niềm trông đợi ấy, tôi đã sớm cảm thấy trong mình những cử động đầu tiên của con vật không hình thù mà, trong những đêm vắng-Padma này, vẫn sục sạo cào cấu ruột gan tôi: gánh chịu lời nguyền của vô vàn hy vọng và biệt danh (tôi đã kịp có tên Cả Khịt và Thò Lò), tôi đâm lo sợ rằng tất cả đã nhầm – rằng sự tồn tại rất được trống giong cờ mở của tôi rồi sẽ hóa ra là hoàn toàn vô dụng, rỗng tuếch, không có lấy tí ti mục đích nào. Và chính vì trốn chạy con quái vật này mà tôi hình thành thói quen náu mình, từ khi còn nhỏ, trong cái tủ giặt to màu trắng của mẹ tôi, bởi vì tuy sinh vật này ở trong tôi, song sự hiện diện êm dịu của vải lanh bẩn bao bọc xung quanh dường như đã ru được nó vào giấc ngủ.

Bên ngoài tủ giặt, bị vây quanh bởi những con người dường như sở hữu một ý thức về mục đích rõ ràng kinh khủng, tôi vùi mình trong những chuyện thần tiên. Hatim Tai và Người Dơi, Siêu Nhân và Sinbad đã giúp tôi qua được gần chín năm ấy. Khi đi chợ với Mari Pereira – khiếp hãi trước chuyện cô có khả năng đoán tuổi gà bằng cách xem cổ con gà, trước sự quyết liệt tuyệt đối khi cô nhìn chằm chằm vào mắt những con cá chim chết – tôi trở thành Aladdin, đang du hành trong một hang động kỳ bí; trông những người hầu lau chùi bình lọ với một sự tận tâm vừa trịnh trọng vừa mơ hồ, tôi tưởng tượng ra bốn mươi tên cướp của Ali Baba nấp trong những chiếc bình phủ bụi; trong vườn, khi đăm đăm nhìn Purushottam vị sadhu bị nước xói mòn, tôi hóa thành thần đèn, và nhờ đó, trốn tránh được, trong đa số trường hợp, cái ý nghĩ kinh khủng rằng tôi, đơn độc trong vũ trụ này, chẳng có ý niệm gì về việc tôi nên là ai, hay tôi cần hành xử thế nào. Mục đích: nó lẻn đến sau lưng tôi khi tôi đứng trên cửa sổ phòng mình nhòm xuống những cô bé người Âu nhảy chân sáo trong bể bơi hình bản đồ bên bờ biển. “Biết tìm nó ở đâu?” tôi hét to; con Khỉ Đồng, ở chung căn phòng màu thiên thanh với tôi, giật bắn cả người lên. Khi ấy tôi sắp lên tám, nó gần bảy tuổi. Đó là một tuổi rất sớm để băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời.

Nhưng trong tủ giặt không có người hầu; xe buýt nhà trường cũng vắng bóng. Khi sắp lên chín tôi bắt đầu đi học ở trường Trung học Nam sinh Cathedral và John Connon trên đường Outram ở khu Thành Cổ; được tắm táp và chải chuốt mỗi sáng, tôi đứng dưới chân quả đồi hai tầng nhà mình, mặc quần soóc trắng, đeo thắt lưng chun sọc xanh có khóa hình rắn, cặp đeo trên vai, quả dưa chuột cỡ bự hình cái mũi vẫn chảy thò lò như thường lệ; Mắt Chẻ và Tóc Dầu, Sonny Ibrahim và Cyrus-đại-đế khôn sớm cũng đứng đợi. Và trên xe buýt, giữa những hàng ghế lọc xọc và tiếng cọt kẹt hoài cổ của những ô cửa sổ, chao ôi những lời quả quyết! Chao ôi những sự chắc chắn gần-chín-tuổi về tương lai! Sonny huyên hoang: “Tao sẽ trở thành võ sĩ đấu bò; Tây Ban Nha! Chiquita! Ê, toro, toro[1]!” Cái cặp giơ ra như tấm muleta của Manolete[2], nó vào vai tương lai của mình khi cỗ xe lọc xọc chạy qua góc phố Kemp, qua (Hiệu thuốc) Thomas Kemp & Công ty, bên dưới tấm poster vị rajah[3] của Hàng không Ấn Độ (“Hẹn gặp lại, cá sấu! Ta đi London trên Hàng không Ấn Độ đây!”) và tấm biển còn lại, trên đó, suốt thời thơ ấu của tôi, Nhóc Kolynos, một tiểu tinh linh răng sáng bóng đội chiếc mũ xanh, kiểu gia tinh, màu diệp lục lung linh, quảng cáo chất lượng cho Kem Đánh Răng Kolynos: “Giữ Răng Shạch và Giữ Răng Sháng! Giữ Răng Kolynos Cực Bóng Loáng!” Cậu bé trên tấm biển, lũ nhóc trên xe buýt: một chiều, bị sự chắc chắn là phẳng, chúng biết mình sinh ra để làm gì. Đây là Keith Colalo Nội Tiết, một thằng bé bị phù tuyến giáp, môi đã lún phún râu: “Tao sẽ quản lý các rạp phim của ông già; bọn lợn chúng mày muốn xem phim, chúng mày sẽ phải xin tao chỗ ngồi!”… Và Perce Fishwala Mập, mà bệnh béo phì không có căn nguyên gì khác ngoài ăn quá nhiều, và là đứa, cùng với Keith Nội Tiết, nắm giữ vị trí đặc quyền đầu gấu lớp học: “Xì! Chẳng là gì sất! Tao sẽ có kim cương và ngọc lục bảo và nguyệt thạch! Và ngọc trai to như hòn dái tao!” Bố Perce Mập quản lý của hàng kim hoàn còn lại của thành phố; kình địch của nó là con trai Ngài Fatbhoy, là đứa, vốn nhỏ người và mọt sách, luôn thất thế trong cuộc chiến của những đứa trẻ có tinh hoàn ngọc trai… Và Mắt Chẻ, tuyên bố tương lai của nó sẽ là vận động viên Test cricket[4], thản nhiên xem bên tròng mắt trống rỗng của mình nhẹ như không; và Tóc Dầu, thằng anh đầu bù tóc rối bao nhiêu thì nó chỉn chu bóng mượt bấy nhiêu, nói, “Chúng mày đúng là lũ ích kỷ! Tao sẽ theo bố tao vào Hải quân; tao sẽ bảo vệ đất nước tao!” Và thế là nó hứng một trận mưa nào thước kẻ, compa, viên mực… trên xe buýt, khi nó lạch xạch chạy qua Bãi biển Chowpatty, khi nó rẽ trái ra khỏi Marine Drive cạnh căn hộ của Hanif, ông chú yêu thích của tôi, thẳng tiến qua Bến xe Victoria đến Đài phun nước Flora, vượt Nhà ga Churchgate và Chợ Crawford, tôi giữ im lặng; tôi là Clark Kent điềm đạm đang bảo vệ thân phận bí mật của mình[5]; nhưng nó là cái quái gì nhỉ? “Ê, Thò Lò!” Keith Nội Tiết réo lên, “Ê, chúng mày bảo thằng Cả Khịt lớn lên sẽ thành gì?” Và tiếng hét đáp lại từ Perce Fishwala Mập, “Pinocchio!” Và cả lũ hùa theo, ré lên một đoạn điệp khúc của bài “Người tôi chẳng còn sợi dây nào!”… trong khi Cyrus-đại-đế ngồi lặng lẽ như thiên tài, lên kế hoạch cho tương lai của trung tâm nghiên cứu hạt nhân hàng đầu đất nước.

[1] Chiquita: tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là em gái bé bỏng. Toro nghĩa là con bò.

[2] Muleta là tấm vải đỏ của võ sĩ đấu bò. Manolete là một võ sĩ nổi tiếng của Tây Ban Nha những năm 40.

[3] Tiểu vương Ấn Độ.

[4] Còn gọi là Cricker Đối kháng, một hình thức thi đấu cricket, mỗi trận có thể kéo dài đến 5 ngày, đòi hỏi sức bền rất lớn ở mỗi cầu thủ.

[5] Trong series truyện tranh và phim Superman, Clark Kent là bộ mặt ngoài đời của Siêu nhân.

Rồi, ở nhà, là con Khỉ Đồng với trò đốt giày; và bố tôi, người đã trỗi dậy từ sâu thẳm của sự suy sụp để rơi vào, một lần nữa, trò rồ dại của những tetrapod… “Biết tìm nó ở đâu?” tôi khẩn cầu trước cửa sổ phòng mình; ngón tay người ngư phủ chỉ, một cách dễ gây ngộ nhận, về phía biển.

Bị cấm cửa bên ngoài tủ giặt: những tiếng réo: “Pinocchio! Mũi dưa chuột! Mặt nhờn!” Giấu mình trong nơi ẩn náu, tôi được an toàn trước ký ức về Cô Kapadia, cô giáo tại nhà trẻ Breach Candy, người, vào ngày đầu tiên tôi đi học, từ trên bảng ngoảnh lại chào tôi, thấy mũi tôi, giật mình đánh rơi cái lau bảng và làm giập móng chân cái của cô, trong một sự tái hiện chói tai song ít tiếng vang cái tai nạn lừng lẫy của cha tôi; vùi mình trong đống mùi soa bẩn và pajama nhàu nhĩ, tôi có thể quên đi, trong một chốc, sự xấu xí của mình.

Thương hàn tấn công tôi; nọc cạp nong cứu sống tôi; và sự phát triển quá sớm, quá nóng của tôi nguội dần. Tới khi tôi gần chín tuổi, Sonny Ibrahim đã cao hơn tôi bốn xăng ti mét. Nhưng có một thứ ở Bé Saleem dường như miễn nhiễm với bệnh tật và chiết-xuất-từ-rắn. Giữa hai mắt tôi, nó mọc ra trước và cắm xuống, như thể tất cả sinh lực tăng trưởng của tôi, bị ép ra khỏi phần còn lại cơ thể tôi, đã quyết định dồn sức vào cú đâm độc nhất vô nhị này… giữa hai mắt tôi và ở trên môi tôi, mũi tôi nở bung như một quả bí ngô đoạt giải. (Thế nhưng, tôi lại không phải mọc răng khôn; làm người nên biết bằng lòng với những gì mình có.)

Trong mũi có gì? Đáp án quen thuộc: “Đơn giản thôi. Bộ máy hô hấp; cơ quan khứu giác; lông.” Nhưng trong trường hợp của tôi, câu trả lời còn đơn giản hơn, dù rằng, tôi phải thừa nhận, hơi kinh tởm: trong mũi tôi là nước mũi. Thật lấy làm tiếc, tôi phải, không may thay, nhấn mạnh vào chi tiết: tình trạng ngạt mũi buộc tôi phải hô hấp qua đường miệng, cho tôi lượng không khí của một con cá vàng hổn hển; sự nghẹt thở kinh niên đày đọa tôi sống một tuổi thơ không mùi hương, những ngày tháng không biết tới hương xạ và hoa nhài và kasaundy xoài và món kem nhà làm; cả quần áo bẩn nửa. Một sự tàn phế ở thế giới bên ngoài tủ giặt có thể trở thành một ưu thế một khi ta ở trong. Nhưng chỉ trong thời gian ta lưu lại đó mà thôi.

Ám ảnh về mục đích, tôi lo lắng về cái mũi của mình. Mặc những áo quần cay đắng thường xuyên tìm đến từ bà bác hiệu trưởng Alia, tôi đi học, chơi cricket kiểu Pháp, đánh lộn, bước vào những chuyện thần tiên… và lo lắng. (Hồi đấy, bác Alia bắt đầu gửi cho bọn tôi một dòng bất tận quần áo trẻ con, mà trong từng đường chỉ bà dường như đã khâu vào nỗi bẳn gắt gái già của bà; con Khỉ Đồng và tôi xúng xính trong những món quà bà tặng, mặc đầu tiên là những món đồ con nít của nỗi cay đắng, rồi đến những tấm quần yếm của niềm oán giận; tôi lớn lên trong những chiếc quần soóc trắng hồ bằng thứ hồ của sự ghen tị, trong khi con Khỉ mặc những chiếc váy hoa xinh xắn của lòng đố kỵ không phai mờ ở Alia… không hay biết rằng tủ quần áo của mình đang trói mình vào tấm lưới nhện báo thù cùa bà, chúng tôi cứ thế sống cuộc đời ăn vận bảnh bao.) Mũi tôi: đặc chất voi như vòi của thần Ganesh, nó lẽ ra, tôi nghĩ, phải là một cỗ máy thở siêu việt; một bộ khịt vô đối, như chúng ta vẫn nói; thay vào đó, nó bị nghẹt kinh niên, và vô dụng không khác gì một cái sikh-kabab bằng gỗ.

Đủ rồi. Tôi ngồi trong tủ giặt và quên đi cái mũi; quên đi sự kiện chinh phục Đỉnh Everest năm 1953 – khi thằng Mắt Chẻ lem luốc khúc khích, “Êu, tụi mày! Tụi mày bảo Tenzing có len nổi lên mặt thằng Cả Khịt không?” – và cả những lần cãi cọ giữa bố mẹ về cái mũi tôi, điều Ahmed Sinai không bao giờ chán đổ lỗi cho cha của Amina: “Chưa bao giờ họ nhà tôi có một cái mũi như thế! Chúng tôi có những cái mũi hoàn hảo: mũi kiêu hãnh, mũi hoàng gia, mình ạ!” Ahmed Sinai đã bắt đầu, tại thời điểm này, tin vào cái dòng tộc hư cấu ông đã sáng tạo ra vì William Methwold; say tửu tinh bí tỉ, ông thấy dòng máu Mughal chảy trong huyết quản… Quên cả cái đêm khi tôi tám tuổi rưỡi, và cha tôi, hơi thở sặc mùi tửu tinh, bước vào phòng, giật chăn khỏi người tôi mà quát: “Mày đang làm cái gì thế hả? Lợn! Đồ lợn rách giời rơi xuống!” Tôi nhìn lên, ngái ngủ; vô tội; ngơ ngác. Ông lại gầm lên: “Phù, phì! Đồ thối thây! Trời phạt những đứa như mày! Chưa gì ông ấy đã khiến mũi mày to như cây bạch dương. Trời sẽ làm mày còi cọc; sẽ làm cứt mày quắt lại!” Và mẹ tôi, khoác áo ngủ chạy vào căn phòng đang sững sờ, “Janum, vì lòng thương xót; thằng bé chỉ đang ngủ thôi mà.” Tửu tinh gầm lên qua môi cha tôi, áp chế ông hoàn toàn: “Nhìn mặt nó xem! Đời thuở nhà ai vì ngủ mà có cái mũi như thế?”

Bên trong tủ giặt không có gương; những câu đùa thô lỗ không chui vào đó, những ngón tay đang chỉ cũng không. Trận lôi đình của các ông bố bị bóp nghẹt bởi những ga giường bẩn và nịt ngực thay ra. Cái tủ giặt là một cái lỗ giữa thế gian, một nơi văn minh tự đặt mình ra ngoài, vượt khỏi chuẩn mực xã hội; điều này biến nó thành nơi ẩn náu lý tưởng nhất. Ở trong tủ giặt, tôi giống như Nadir Khan trong thế giới ngầm của anh ta, an toàn trước mọi sức ép, giấu mình trước những đòi hỏi của cha mẹ và lịch sử…

… Cha tôi, kéo tôi vào cái bụng nhão xệ của mình, nói bằng giọng nghẹn ngào của cảm xúc tức thời: “Được rồi, được rồi, thế, thế, con ngoan lắm; con có thể là bất cứ gì con muốn; con chỉ cần muốn cho đủ thôi! Giờ ngủ đi…” Và Mary Pereira, lặp lại lời ông trong câu hát ru của mình: “Bất cứ gì con muốn thành, con sẽ được; Con sẽ được thành, bất cứ gì con muốn!” Tôi đã ngộ ra rằng gia đình tôi tin tưởng tuyệt đối vào những quy tắc kinh doanh hiệu quả; họ mong đợi một món lợi tức ra trò từ khoản đầu tư vào tôi. Con nít được cái ăn chỗ ở tiền quà nghỉmátdàingày và sự yêu thương, tất cả có vẻ như là một dạng bồi thường cho việc chúng bị sinh ra. “Người tôi chẳng có sợi dây nào!” chúng hát; song tôi, Pinocchio, nhìn rõ những sợi dây. Các ông bố bà mẹ bị thôi thúc vì động cơ lợi nhuận – không hơn, không kém. Đổi lấy sự quan tâm của họ, họ trông đợi, từ tôi, món lợi tức khổng lồ của sự vĩ đại. Đừng hiểu nhầm tôi. Tôi chẳng lấy thế làm điều. Tôi, hồi ấy, là một đứa trẻ biết vâng lời. Tôi ước ao đem đến cho họ điều họ muốn, điều các ông thầy bói và những lá thư lồng khung đã hứa với họ; tôi chỉ không biết phải làm thế nào. Sự vĩ đại ở đâu ra? Làm sao để có được chút đỉnh? Khi nào?... Khi tôi lên bảy, Aadam Aziz và Mẹ Bề trên tới thăm chúng tôi. Vào ngày sinh nhật thứ bảy của mình, một cách ngoan ngoãn, tôi chịu cho mặc đồ giống như cậu bé trong bức tranh người ngư phủ; nóng và bị bó chặt trong bộ trang phục ngoại quốc, tôi cười, cười mãi. “Kìa, mảnh trăng bé bỏng của tôi!”
Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_19
Phan_20
Phan_21
Phan_22
Phan_23
Phan_24
Phan_25
Phan_26
Phan_27
Phan_28
Phan_29
Phan_30
Phan_31
Phan_32
Phan_33
Phan_34
Phan_35
Phan_36
Phan_37
Phan_38
Phan_39
Phan_40
Phan_41
Phan_42
Phan_43
Phan_44
Phan_45
Phan_46
Phan_47
Phan_48
Phan_49
Phan_50
Phan_51
Phan_52
Phan_53 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .
Polaroid